Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]






VIỆT HẢI
DƯƠNG HÀ




ASIA 58

Kỷ niệm 30 tháng Tư

Việt Hải / Dương Hà











Gần đến ngày 30 tháng Tư thì những ngày tan thương, kỷ niệm đau thương lại về với tôi. Trên màn ảnh của chiếc máy vi tính là bức email của anh Phan Nhật Nam gửi đến.

"Nầy bạn hiền, tháng Tư không phải riêng bạn buồn đâu, những tháng Tư đến với tôi không một chút bình an. Tôi có mặt từ ngày 13/03/75 tại mặt trận Pleiku cho đến ngày chót của VNCH, 30/04/75, tôi có mặt trước tiền đình Hạ Viện. Một trang sử cũ thật u buồn."

Phan Nhật Nam là lính Dù tác chiến, anh có khả năng với ngòi bút đặc biệt về văn phóng sự chiến trường, tôi thích đọc tác phẩm của anh, từ Mùa Hè Đỏ Lửa, Dấu Binh Lửa, Dựa Lưng Nỗi Chết, Dọc Đường Số Một đến quyển Tù Binh và Hòa Bình.

Anh kể tôi nghe những mưu toan khi người cộng sản xua quân xé bỏ Hiệp định Paris để xâm lăng cưỡng chiếm Miền Nam, vào tháng 12 năm 1974 các binh đoàn Bắc Việt ào ạt tấn công Phước Long, rồi mùa xuân tháng 3 năm 1975 lại tấn chiếm Ban Mê Thuột. Vết dầu loang lan dần về thủ đô Sài Gòn. Sách Tù Binh và Hòa Bình, ra đời vào 1974 tại Sài Gòn. Anh kể về những thua thiệt cay đắng.

Hiệp định này không có một mảy may giá trị qua tất cả mọi điều khoản khi mang ra thi hành... Từ việc phân định vùng giao tranh, lập các tổ kiểm soát, và ngay cả chi tiết cụ thể như việc trao trả tù binh bị các bên giam giữ. Vì trong phần vụ công tác, Phan Nhật Nam là người lập kế hoạch trao trả, và thực hiện kế hoạch ấy qua nhiều địa điểm trao trả suốt hai miền Nam, và ra Bắc. Điều khoản I về Nghị Định Thư Tù Binh đã làm biến mất toàn thể khối tù binh ra đi từ các trại quân miền Bắc. Để đối lại, trong danh sách tù binh của VNCH lại thiếu vắng toàn diện những quân nhân bị bắt trước trận chiến Mùa Hè 1972. Những sĩ quan VNCH như Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Trung Tá Nguyễn Văn Châu; Thiếu Tá Trần Văn Đức, Đại Úy Nguyễn Quốc Trụ ... cùng những quân nhân thuộc Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù bị bắt ở mặt trận Hạ Lào, tức Hành quân Lam Sơn 719, vào năm 1971, đã bị gạch bỏ khỏi danh sách trao trả. Thật ra việc thi hành Hiệp Định Paris là để người Hoa Kỳ cốt yếu cần mang về 588 tù binh và hoàn tất việc rút quân ra khỏi Việt Nam trong "danh dự". Tuy vậy sự hào hùng của người lính được ghi nhận vào những giờ phút lâm nguy nhất cho thấy dù kết quả có chiến bại. Tác giả Nguyễn Vi Túy của bài viết "Ngã Tư Bảy Hiền - Tháng Tư Đen" viết:

"Lúc ấy trời mới vừa hừng sáng, những tiếng đạn pháo kích của Cộng quân bắt đầu nổ dồn dập, với những tiếng đạn rít xé trời bay ngay trên đầu nghe đến lạnh người. Đoàn người lánh nạn lũ lượt chạy vào thành phố ngày một đông, và con lộ chính từ Ngã Tư Bảy Hiền dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất và Sàigòn đã bắt đầu nổ ra các cuộc giao tranh đẫm máu. Những người lính tử thủ trong bệnh viện Vì Dân đã có một lợi thế vững chắc. Từ trên sân thượng họ đã phóng ra những trái hỏa tiễn M-72 chống chiến xa một cách chính xác. Đã có ít nhất 3 xe tăng T-54 của Cộng quân bị bắn cháy tại chốt phòng ngự này."

Trong quyển "Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân", tác giả Dương Viết Điền ghi nhận hai trong số rất nhiều sự kiện tan thương nhưng can trường của người lính VNCH như sau:

- Bảy Hiệp Sĩ Việt Nam (The Seven Samurai in VietNam): Theo tài liệu về ngày 30 tháng 4, năm 1975 trong kho dữ liệu của hãng Thông tấn Nhật bản Kyodo ghi nhận lại phút chót của những anh em Nhảy Dù. Khi giờ đau thương d8ã diểm, ngày 30-04-1975, là lúc QLVNCH bị bức tử, người lính bị bẻ gãy súng bởi chiến lược toàn cầu của Mỹ thay đổi. Bảy người lính Dù mà trưởng toán là thiếu úy Hoàng Văn Thái tụ họp tại một bùng binh trong Chợ Lớn, và họ chọn lựa sự buông súng trong danh dự khi tự kết liễu đời mình sau khi hát xong bài quốc ca VNCH, họ xếp thành vòng tròn, mỗi người tay trong tay một quả lựu đạn, mở chốt một lượt. Một tiếng nổ chát chúa tiễn biệt họ ra đi vì danh dự.

- Thiên thần Mũ Đỏ can trường trong chiến bại: Chuyện kể tang thương thứ hai về sự hào hùng. Theo lời tường thuật của anh Trung úy Cảnh sát Nguyễn Văn Đình định cư ở Houston đã chứng kiến tại hiện trường sự tự sát tập thể của 9 anh em quân nhân Nhảy Dù, họ nằm trong toán bảo vệ Đài Phát Thanh và Đài Truyền Hình. Khi lệnh buông súng ban ra toán quân nhân này đã xã súng bắn vào nhau, xác thân họ tan nát cho sự ra đi nhuốm màu máu anh hùng của người lính QLVNCH, ví dụ hiển vinh cho sự kiện "can trường trong chiến bại".



Nhà văn Phan Nhật Nam có tham dự vào show quay cho cuốn DVD Asia-58, mang chủ đề "Lá Thư Từ Chiến Trường". Anh là một trong hai guest emcees, người kia là KHG Dương Nguyệt Ánh, ngoài những Asia emcees nồng cốt như Nam Lộc, Việt Dzũng. Anh cho biết anh rất vui khi tham dự trong một chương trình vinh danh người lính VNCH. Tôi đồng ý vì sự can đảm của họ khi bảo vệ quê hương của họ phải đáng ca ngợi. Cuộc chiến đấu 20 năm (1955-1975) mà vai trò của quân đội VNCH là bảo vệ an ninh bờ cõi, bảo quốc an dân, gìn giữ xóm làng được an bình từ lúc khởi đầu 1955 đến phút cuối cùng của sự kiện "can trường trong chiến bại". Trong biến cố 30 tháng Tư quân sử VNCH cũng đã ghi khắc sự tri ân 6 vị sĩ quan cao cấp dũng cảm đã tuẫn tiết như Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Khoa Nam, và Lê Văn Hưng.

Hôm quay phim Asia-58 tôi được xem hai MC Dương Nguyệt Ánh và Phan Nhật Nam giới thiệu về trường hợp tướng Lê Văn Hưng. Theo phim tài liệu thì ông sinh ngày 27 tháng 3 năm 1933 tại Hốc Môn. Tốt nghiệp hai quân trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Võ Bị Đà Lạt. Cấp bậc cuối cùng là Chuẩn tướng, ông có 50 huy chương đủ loại, mà trong số đó có nhiều huy chương cao quý. Chức vụ cuối là Tư lệnh phó Quân đoàn 4, trú đóng tại Cần Thơ. Năm 1972, ông lập chiến công anh dũng tại An Lộc, sau trận An Lộc nên được thăng cấp chuẩn tướng giữ chức tư lệnh phó Quân khu 3. Năm 1973 Lê Văn Hưng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh; năm 1974, ông đảm nhận chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn 4. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại văn phòng riêng ở bộ chỉ huy phụ của Quân đoàn 4, vì không chấp nhận đầu hàng địch quân, sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt anh em binh sĩ bảo vệ bộ chỉ huy, người được gọi là "Anh hùng tử thủ An Lộc" do những chiến tích lẫy lừng một thuở tại mặt trận An Lộc đã tự sát bằng súng lục vào lúc 20 giờ 45 tối.

Là chương trình văn nghệ nên bản nhạc được xếp vào màn này là nhạc phẩm Người Chết Trở Về của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và qua hai giọng ca Nhật Trường và Thanh Lan đã nhắc lại nét oai hùng của người, khi họ ra đi là sự can đảm thương tâm.

Trong cuộc chiến 20 năm đó thì trận tiến quân đánh sang Cam Bốt để phá hủy căn cứ hậu cần của địch quân được xem là rất thành công. Cuối năm 1970 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III xử dụng ba Sư đoàn cơ hữu là 5, 18, 25 và 2 Liên đoàn 3 và 5 Biệt Động Quân thay phiên nhau mở cuộc hành quân sang lãnh thổ Kampuchia, phá tan hậu cần VC dọc theo biên giới: mật khu Ba Thu, Mỏ Vẹt, Móc Câu. Đồng thời tiến sâu vào các tỉnh Svay Rieng, Kompong Trach, Prey Vieng, tiếp cứu đồng bào VN thoát khỏi cảnh nạn cáp duồng, đưa họ trở về VN định cư. Gần Tết các đơn vị được rút về VN ăn Tết, đồng thời chuẩn bị cho cuộc hành quân quy mô Toàn Thắng 1/71 trên lãnh thổ Kampuchia.

Trung tướng Đỗ Cao Trí Tư lệnh Quân đoàn III đã chỉ huy tại mặt trận, ông quan sát từ trực thăng bay trên không theo dỏi địa hình và điều khiển cuộc hành quân. Ông chủ trương phải thanh toán để tiến nhanh đến mục tiêu chính là đồn điều Chup, nơi ẩn náu của cục R, không để họ tẩu thoát. Ông là một Napoleon mưu lược, và ông là một McArthur tài ba về chiến trận.

Với tài thao lược chỉ huy, khi đảm nhiệm chức Tư lệnh Vùng III Chiến Thuật chỉ trong một thời gian ngắn, ông bình định xong nông thôn, và thực hiện các cuộc hành quân tấn công hầu ngăn chận và tiêu diệt lực lượng đối phương xâm nhập lãnh thổ miền Nam. Trận đánh phá hủy cục R bên Cam Bốt là điển hình.

Tháng 3 năm 1970, Ông bình định lãnh thổ Vùng 3 do ông phụ trách. Thực hiện cuộc "Hành Quân Toàn Thắng 42", phối hợp với Lực Lượng II Dã Chiến Hoa Kỳ, để lần lượt bứng tận gốc các chốt đóng quân của lực lượng Bắc Việt dọc theo bên kia ranh giới Việt- Miên ở mật khu Mỏ Vẹt và Móc Câu, càn quét địch quân đẩy lui cục R và các sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt lên tận mạn Đông Bắc Cam Bốt ở vùng Đambe và Chlong. Tháng 2 năm 1971, ông dùng chiến thuật trực thăng vận Chiến Đoàn 5 Biệt Động Quân cùng ông đổ quân xuống Chlong, cho quân tấn chiếm mật trận Đambe, quân CS co rụm lại ở thế thủ. Theo kế hoạch tốc chiến tốc thắng khi địch quân tháo chạy, ông mở cuộc "Hành Quân Toàn Thắng 1/71" tiến chiếm Kratié, căn cứ chiến lược chủ yếu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Vì khi chiếm được Kratié, chúng ta cắt đứt con đường huyết mạch chính mà địch quân tiếp vận từ miền Bắc Việt xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch thành công phá hủy căn cứ hậu cần của địch quân.

Tướng Đỗ Cao Trí sinh tại Biên Hòa vào ngày 20-11-1929, tốt nghiệp trường Võ Bị Coetquidan, trường Nhảy Dù Pau ở Pháp năm 1949 và tốt nhiệp Trường Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ ở Fort Leavenworth năm 1959. Ông là vị Tư Lệnh Nhảy Dù đầu tiên của QLVNCH. Ngày 23 tháng 2 năm 1971 ông tử nạn vì trực thăng phát nổ trên không phận Tây Ninh, sau đó ông được vinh thăng lên Đại tướng.

Để tưởng niệm sự mất mát này chương trình Asia 58 cho trình bày nhạc phẩm Chân Trời Tím của Trần Thiện Thanh với 2 ca sĩ Nguyên Khang và Ngọc Hạ.

Vị tướng thứ ba được đề cập đến trong Asia-58 là tướng Nguyễn Viết Thanh, một vị tướng thanh liêm, chính trực, chỉ huy giỏi, được binh sĩ, đồng bào cảm mến. Ông tốt nghiệp khóa 4 trường Võ Vị Đà Lạt, hầu hết các nhiệm sở ông đảm trách thuộc Vùng III và Vùng IV Chiến thuật, như ông phục vụ tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, làm tỉnh trưởng Long An, Gò Công, sau này nắm chức Tư lệnh Sư Đoàn 7. Cuối cùng ông được đôn lên Tư lệnh Quân Khu IV.

Trong cuộc hành quân Toàn Thắng 42 sang Cam Bốt, ông đưa quân yểm trợ tướng Đỗ Cao Trí từ Vùng IV. Vào tháng 5 năm 1970, máy bay chở ông chẳng may đụng phải chiếc trực thăng loại Cobra của quân đội Hoa Kỳ khiến ông tử nạn.

Với Tướng Nguyễn Viết Thanh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tin tưởng ở khả năng quân sự của ông. Tướng Westmoreland đánh giá ông là vị tướng tài ba của QLVNCH. Thiếu tướng George S. Eckhardt sau này nhắc chuyện cũ cho phóng viên Hoa Kỳ nghe về tình quân dân cảm mến tướng Thanh. Khi tướng Thanh làm Tư lênh Vùng IV, hai ông trong một chuyến công tác chung, bay trực thăng ngang qua Mỹ Tho (nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 7 mà ông đóng trước đây), hai ông ghé vào tìm một quán kín đáo để ăn trưa, nhưng khi đồng bào nghe tin tướng Thanh ghé địa phưong của họ, dân làng và binh sĩ vây quanh ông mừng rỡ khiến ông bỏ bữa ăn trưa để bắt tay và chào hỏi bà con đến kéo thăm. Tướng Eckhardt cho biết bên ngoài khả năng lãnh đạo quân sự, tướng Thanh có đức tính đắc nhân tâm, thương mến người dân. Trong gia đình ông còn có người em trai là Đại Tá Nguyễn Viết Cần, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Ông đã anh dũng hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ giải vây An Lộc vào mùa Hè năm 1972. Đại Tá Cần cũng từng được coi như một cấp chỉ huy có tình nhân ái.

Vị tướng thứ Tư được Asia-58 vinh danh khi cho chiếu tài liệu về Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.

Tướng Ngô Quang Trưởng được xem là một trong những vị tướng xuất sắc nhất về chiến trường trong hàng ngũ tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã phục vụ trong quân đội từ năm 1954 đến 1975. Là người hùng Quảng Trị khi đánh bật quân xâm lăng Cộng sản Bắc Việt, tái chiếm Quảng Trị vào năm 1972, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, mang số quân:49/100.012. Ông sinh ngày 13/12/1929, tại tỉnh Kiến Hòa. Nhập ngũ ngày 17/11/1953, tốt nghiệp Khóa 4 Sĩ Quan Trừ bị Thủ Đức, tháng 6/1954. Ra trường với cấp bậc Thiếu úy, được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Thành tích sáng chói của ông rất nhiều. Kể từ năm 1970 ông được thăng cấp Trung tướng.

Trong cuộc hành quân Toàn Thắng 42 đánh sang Cam Bốt, khởi sự ngày 2/5/1970, Quân đoàn IV đã phối hợp với Quân đoàn III do Tướng Đổ Cao Trí chỉ huy, vượt biên giới Việt-Miên tiến vào mật khu Ba Thu của Cộng sản Bắc Việt tại Mõ Vẹt. Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh, tư lệnh Quân đoàn IV đã hy sinh vì tổ quốc trong cuộc hành quân này. Do đó, Trung Tướng Trưởng được đưa sang nhiệm chức Tư Lệnh Quân đoàn IV kiêm Tư lệnh Quân khu IV để thay thế sự ra đi của Tướng Thanh. Ông giữ nhiệm vụ này mãi đến tháng 5/1972.

Vào năm 1972 của mặt trận Mùa hè đỏ lửa bùng nổ, quân Cộng sản mở cuộc tấn công mãnh liệt vào Quân khu I. Lực lượng của VNCH tại Quân khu I bị tổn thất nhiều tại tỉnh Quảng Trị . Tướng Ngô Quang Trưởng được điều động ra thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, để giữ chức Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I. Tướng Trưởng có công mang lại niềm tin và những nổ lực cải tổ lực lượng chiến đấu cho Quân khu I. Sư đoàn 1 Bộ Binh được cải cách để bảo vệ tuyến địa đầu của quê hương. Ông chủ trương Quân khu I cần được tăng phái với toàn bộ lực lượng tổng trừ bị của Quân Lực VNCH và được sự yểm trợ từ xa bởi Đệ Thất Hạm đội của Hoa Kỳ, chỉ trong vòng một thời gian ngắn lực lượng VNCH đẩy lui quân CS và tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, và tiến quân dành lại những phần lãnh thổ ở phía Nam sông Mỹ Chánh, và Cửa Việt.

Chiến công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị đã gây tiếng vang xa, Tướng Trưởng được dư luận quốc tế cũng như trong nước đánh giá rất cao, xem ông như một vị tướng tài ba thao lược đầy hy vọng của Quân Lực VNCH. Bao nhiêu bút mực đã viết về ông.

Trong biến cố đau thương năm 1975, người ta âm mưu hãm hại, chặt tay chân của Quân Lực VNCH, những quyết định kỳ quái đã làm cho một lực lương tinh nhuệ của miền Nam Việt Nam tan rã nhanh chóng. Ông cùng gia đình được đưa sang Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang Virginia, ông sống ẩn dật, kín đáo. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã từ trần tại quận Fairfax, Virginia vào ngày 22 tháng Giêng, năm 2007.

Ông được xem là một trong 4 vị tướng thanh liêm, trong sạch nhất của Quân Lực VNCH, qua câu nói: "Nhất Thắng (Nguyễn Đức Thắng), nhì Chinh (Phan Trọng Chinh), tam Thanh (Nguyễn Viết Thanh), tứ Trưởng (Ngô Quang Trưởng)". Chính đức tính thanh liêm và khiêm tốn của ông đã làm cho binh sĩ và đồng bào kính trọng và quý mến ông. Trung Tướng (hồi hưu) John H. Cushman trở thành người bạn thân với ông sau thời gian làm việc chung với Trung Tướng Trưởng đã đưa ra nhận xét: "Không như những vị Tướng khác làm giàu nhờ chức vụ, Trung Tướng không có lấy một bộ suit".

Gia đình ông sống rất thanh bạch, vợ Trung Tướng Trưởng vẫn nuôi heo tại nhà, trong khu cư xá sĩ quan. Ông thành công trong đời binh nghiệp có lẽ nhờ vào các biện pháp cứng rắn, và sát cánh chiến đấu với binh sĩ ngoài mặt trận. Ông thường xuyên thị sát các tiền đồn hẻo lánh, đầy nguy hiểm. Là một vị tướng thiên về tác chiến chuyên nghiệp, ông chọn lựa không tham gia những hoạt động chính trị và tuyệt đối trung thành với quân kỷ. Ông đã từng tuyên bố với mọi người về quan niệm của mình: "Quân đội là quân đội và tôi chỉ nhận lệnh của Tổng Tư lệnh Quân đội". Những câu chuyện được kể về ông như ông thường xuất hiện trong bộ quân phục tác chiến, áo giáp, nón sắt, bình bi đông nước và cả một cái xẻng cá nhân, để làm gương cho thuộc cấp. Đó là hình ảnh của vị Tướng Tư Lệnh Vùng, mà đặc biệt đồng bào vùng I và IV, khó thể nào quên được.

Làm việc cực lực bảy ngày một tuần, dành hết tâm huyết cho công vụ. Ông được tiếng thương mến thuộc cấp, chia sẽ mọi lợi lộc nếu có, và thưởng phạt phân minh.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là con rể của nhà văn tiền chiến Thạch Lam. Do lời mời của Trung tâm Quân sử Quân Lực Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History), nhờ ông ghi lại những kinh nghiệm chiến đấu qua 3 tác phẩm hiện còn lưu trữ tại trung tâm này:

1/ The Easter Offensive of 1972 (viết 1983),
2/ Territorial Forces (viết 1984),
3/ RVANF and US Operational Cooperational Coordination (viết 1984).

Nhận định về Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, dư luận Hoa Kỳ rất nể phục ông, theo Đại Tướng H. Norman Schwarzkopf, nguyên Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung Đông và tư lệnh quân đội Đồng Minh trong chiến dịch Bão Sa Mạc 1991, đã viết về Tướng Trưởng như là người chỉ huy chiến thuật kiệt xuất nhất mà ông đã từng được biết. Trong cuốn hồi ký viết năm 1992, Đại tướng Schwarzkopf đã ca ngợi Tướng Trưởng như một anh hùng trong trận đánh tại thung lũng Ia-Drang.Khi đó Tướng Trưởng là Trung Tá và Tướng Schwarzkopf là Thiếu Tá Sĩ quan Cố vấn. Ia-Drang là trận thư hùng thử lửa, trận đánh lớn đầu tiên và đẩm máu nhất giữa lực lượng CSBV với lực lượng Bộ Binh Không Kỵ Hoa kỳ và sau đó với lực lượng Nhảy Dù của Quân VNCH, vào tháng 11/1965. Khi quân xâm lăng CSBV quyết định chuyển từ cuộc chiến tranh du kích sang chiến tranh quy ước, tham chiến với cấp số tiểu đoàn và trung đoàn. Trong trận giao tranh này, quân CSBV chuốt lấy thảm bại về số thương vong.

Trung tá George W. Smith, nguyên cố vấn Sư đoàn 1 Bộ Binh, trong quyển hồi ký The Siege at Huế đã viết: "Tướng Trưởng là một người cứng rắn, kỷ luật, và hết lòng với binh nghiệp. Không như một số đồng liêu của ông thăng quan tiến chức bằng quen biết hay đút lót, ông đeo sao trên vai bằng chiến công tại mặt trận. Ông là nguời cần mẫn, thanh liêm, và không tự cao tự đại. Dưới mắt người Mỹ thì ông là người chỉ huy chiến đấu tài giỏi nhất của quân đội Nam Việt Nam." Nói chung thì dư luận Mỹ hầu như dành cho ông sự thiện cảm đặc biệt. Nhân khi được tin Tướng Trưởng mạn phần, nhật báo Washington Post trong số ra ngày 25/01/2007 đã viết những lời khen ngợi Trung Tướng Trưởng là một trong những tướng thanh liêm và tài ba nhất của quân đội VNCH.

Tiến sĩ Sử gia Lewis Sorley, nguyên là Sĩ Quan Thiết Giáp Hoa Kỳ, tốt nghiệp Võ Bị West Point, từng tiếp xúc với Tướng Trưởng nhiều lần, đã nói là ông rất vinh dự được tiếp chuyện với tướng Trưởng cách đây ít tuần, và rằng ông rất ngưỡng phục sự can trường của tướng Trưởng khi chống chọi với căn bệnh lúc cuối đời cũng như ông ngưỡng mộ bao nhiêu trận chiến hào hùng và tài chỉ huy thao lược của Tướng Trưởng. Trong một email gởi đến những người bạn đồng khóa của ông tại quân trường West Point, khóa 1956 để báo tin Trung Tướng Trưởng đã qua đời. Tiến sĩ Lewis Sorley đã không quên nhắc nhỡ cho những bạn của ông nhớ là những lời nhận xét và khen ngợi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và Sư đoàn I Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của Tướng Creighton Abrams, vị Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam từ những năm 1968 đến 1972. Tướng Creighton Abrams đã từng tuyên bố là Tướng Trưởng, trong nhận định của riêng ông, là một vị chỉ huy đầy khả năng chuyên nghiệp mà quân đội VNCH có được trên chiến trường... Nói về tài chỉ huy khi Tướng Trưởng coi Sư Đoàn I, Tướng Abrams đã nhận xét là Sư Đoàn I là một đơn vị tinh nhuệ. Điều này chứng tỏ VNCH có một lực lượng thiện chiến nhất... Và rồi Tiến sĩ Lewis Sorley đã viết cho những bạn của ông lời cuối cùng chia tay: "Chào vĩnh biệt một trong những chiến binh xuất chúng, một con người khiêm cung, đáng kính và chính trực".

MC Phan Nhật Nam xuất hiện trên sân khấu, anh nhắc lại những cuộc chiến đấu hào hùng của anh em quân nhân QLVNCH ở những giờ phút cuối trước khi quân CS chiếm đoạt miền Nam. Anh nhắc đến toán chiến sĩ Nhảy Dù trẻ do anh Hoàng Văn Thái chỉ huy, với thái độ thà chết không hàng giặc. Tôi nhận xét nhiều quan khách mũi lòng khi theo dỏi những cái chết năm xưa. Nhận xét thêm khác nữa là trong hai xuất hát nhiều anh em quân nhân hiện diện trong quân phục của binh chủng mình tham dự. Và khi nói về những nét bất khuất hào hùng của anh em chiến binh VNCH, những tràng pháo tay cảm thông và ngưỡng mộ đã vang dội từ phía quan khách tham dự.

Tiết mục tôi muốn nói kế tiếp là gần đây khi biến cố cuối năm 2007, nhà cầm quyền Trung Cộng công bố rằng Quốc Vụ Viện của họ xác nhận việc thành lập thành phố hành chánh cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, khiến người dân Việt Nam khắp nơi phẫn nộ vì quê hương tiếp tục bị mất lãnh thổ và lãnh hải. Asia 58 cho chiếu một video clip để làm sống lại sự hào hùng của Quân Lực VNCH. Hạm trưởng Ngụy Văn Thà (1943–1974) được nhắc đến như lời vinh danh và tri ân.

Cố Trung tá HQ Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà là Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ-10, ông cùng hai thuộc cấp pháo thủ đã anh dũng chiến đấu với quân thù để giữ màu cờ sắc áo HQ VNCH được ghi nhớ mãi.

Cố Trung Tá HQ VNCH Ngụy Văn Thà sinh ngày 16 tháng 1 năm 1943 Trảng Bàng, Tây Ninh. Ông tốt nghiệp khóa 12 Trường Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Nha Trang, khóa Đệ Nhất Song-Ngư, ngành Chỉ-Huy, tháng 03 năm 1964 với cấp bậc Thiếu-Uý. Sau khi tốt nghiệp, ông thực tập trên Hải Vận Hạm LST-1166/MSS-2 Washtenaw County thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ. Trong thời gian phục vụ trên một số chiến hạm của Hạm đội Hải Quân Việt nam Cộng Hòa, ông lần lượt đảm nhận các chức vụ:

- Hạm Phó Tuần Dương Hạm Ngô Quyền (HQ-17),
- Chỉ huy phó Giang đoàn 23 Vĩnh Long,
- Hạm trưởng Tuần-Duyên-Đĩnh Kèo Ngựa (HQ-604),
- Hạm trưởng Giang pháo hạm Tầm Sét (HQ-331), và
- Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ-10) từ ngày 16 tháng 9 năm 1973.

Ông được ân thưởng 13 huy chương đủ loại, trong số đó có Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu.

Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ-10) do ông chỉ huy đang tuần tiễu tại vùng biển Đà Nẵng thì được lệnh hành quân trực chỉ Hoàng Sa, tiếp ứng hải đội VNCH đang hành quân. Trong thời điểm này, HQ-10 bị hư một máy chính và radar hải hành bất khiển dụng, tuy nhiên khi tham chiến HQ-10 đã chiến đấu anh dũng nhất trong tất các chiến hạm hiện diện trong trận đánh.

Tất cả chiến hạm VNCH đồng loạt khai hỏa vào chiến hạm TQ lúc 10 giờ 22 phút sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974. Ngay từ giây phút đầu giao tranh, sự kiện cho thấy HQ Trung Quốc bị trúng đạn thiệt hại đáng kể, mặc dù tổng số tàu Trung Cộng tham chiến hơn gấp 3 lần tàu của HQ VNCH. 12 chiến hạm của TC cùng nhiều ngư thuyền giả dạng dân đánh cá. Trong khi phía VNCH chỉ có 4 chiếc tàu gồm Khu trục hạm HQ 4, hai tuần dương hạm HQ 5 và HQ 16, và hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10. Tuy nhiên với tinh thần bất khuất quyết chiến đấu. HQ VNCH đã khai hỏa và tấn công trước, gây ra thiệt hại nặng nề cho hai chiến hạm của Trung Cộng là 271 và 274, mà trong đó chiếc Kronstadt 271 được xem là tàu chỉ huy của bên địch quân. Nhiều sĩ quan cao cấp cùng thủy thủ đoàn Trung Cộng có mặt trên chiến hạm này đã bị tử thương.

Trong lúc giao tranh pháo tháp HO-10 bị trúng đạn, làm hạm phó Đại úy Nguyễn Thành Trí bị thương nặng, tay lái bất khiển dụng và HQ-10 cũng bị trôi dạt. Thấy chiến hạm bị hư hại nặng, hạm trưởng Thà ra lệnh cho thủy thủ đoàn di tản bắng bè, nhưng hai pháo thủ đã tự nguyện ở lại cùng ông tiếp tục chiến đấu. Tới 11 giờ 49 phút, HQ Trung Cộng gửi thêm tàu vào vòng chiến yểm trợ cuộc xâm lăng Hoàng Sa, 2 chiến hạm Trung Cộng mang số 281 và 282 được tăng phái vào đã tập trung hỏa lực bắn diệt HQ-10. Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo chìm cùng hạm trưởng và anh em pháo thủ ở lại sống chết với tàu, ghi nhận HQ-10 khai tử tại địa điểm 2.5 hải-l‎ý về hướng Nam bãi san hô Antelope, lúc 14 giờ 52 phút ngày 19 tháng 1 năm 1974.

Thế hệ trước 75 đã chiến đấu vì lý tưởng tự do, Asia trình bày cho thấy những người trẻ gốc Việt lớn lên tại hải ngoại, họ nối gót thế hệ cha chú khoác áo chiến binh. Điều này nói lên cá tính oai hùng của người Việt Nam. Nam nhi đi chiến đấu là chuyện thường tình. Nhưng nữ nhi ra chiến trận lái may bay phản lực có lẽ hiếm thấy với người Việt chúng ta. Người nữ anh hùng mang dòng máu Triệu Trưng này không ai khác hơn là Đại úy phi công Elizabeth Phạm, thuộc không đoàn "Bats 242" Yểm Trợ và Tấn Công Dưới Mọi Thời Tiết của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, là ái nữ của Bác Sĩ Phạm Văn Minh tại Seattle tiểu bang Washington. Liz Phạm chào đời tại Seattle cách đây 29 năm, tốt nghiệp từ Đại Học USD (University of San Diego) và theo học về kỷ thuật bay tại trường huấn luyện phi hành T 34 của Hải Quân Hoa Kỳ tại Pensacola (Florida) với cấp bậc Thiếu Úy. Sau đó, cô tiếp tục theo học về kỷ thuật bay cấp cao T 45 Goshawk tại Trung tâm Huấn luyện Meridian của Hải Quân Hoa Kỳ tại tiểu bang Mississippi. Tốt nghiệp, Elizabeth Phạm đỗ "Top Hook" (Thủ Khoa) và được Đại Tướng Chỉ Huy Trưởng đích thân trao bằng tốt nghiệp đồng thời được tuyển chọn là Phi Công đầu tiên của Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ điều khiển một phóng pháo cơ siêu thanh F-18 Hornet vào cuối năm 2003 với cấp bậc là Trung Úy. Năm 2005 Liz Phạm thăng Đại Úy. Cô thành hôn với Đại Úy Alexander Roloss cũng là một sĩ quan Phi Công F-18 Hornet và tốt nghiệp sau Liz Phạm một khóa huấn luyện, Đại Úy phu quân của Liz Phạm cũng phục vụ trong cùng một đơn vị. Theo thân phụ của Đại Úy Elizabeth Phạm cho biết thì cặp vợ chồng này như "Mặt Trăng và Mặt Trời". Chồng từ chiến trường trở về Mỹ thì Vợ lại bay ra chiến trường và khi Vợ về thì Chồng lại vút lên không trung bay đi Iraq. Và khi show Asia khai diễn thì Đại Úy Elizabeth Phạm đang nghĩ ngơi tại Mỹ và sẽ lên đường trở lại Iraq vào trung tuần tháng 01/2009 và Alex Roloss sẽ trở về Mỹ cùng thời gian đó.

Trên chiến trường Falujah ở mạn Bắc Baghdad, Iraq, là một chiến trường mà không phận được mô tả là mỗi khi lực lượng bộ binh chạm địch thì hàng loạt máy bay đủ các loại của quân đội Hoa Kỳ xuất hiện trên bầu trời từng lớp, từng lớp từ trên cao nhìn xuống "như một đàn ong" đang dang cánh bay lượn trên không trung, từ tuốt trên cao độ rồi nó lao sầm xuống với một tốc độ kinh hồn là 1190 Miles một giờ hay 2380 cây số giờ để thả một quả bom chỉ cách vị trí của các đơn vị bạn chỉ có 200 mét rồi vụt bay ngược theo tốc độ vút lên cao mất hút trong không gian. Hình ảnh này mô tả được những phi công điều khiển các phóng pháo cơ F-18 Hornet tối tân của Hoa Kỳ là những tài năng ưu tú của đất nước. Điều cần ghi nhận là trị giá mỗi chiếc F-18 là 35 triệu mỹ kim, và Đại Úy Elizabeth Phạm luôn góp mặt trong các thành phần phi công ưu tú đó.

Quốc hội Hoa Kỳ đã từng tranh cãi là nên hay không nên để phụ nữ tham dự trong các công tác chiến đấu. Có những khó khăn tế nhị khi cho phụ nữ khi ra mặt trận. Quá khứ cho thấy nước Mỹ nhức nhối tại chiến trường tại Iraq hay Bosnia mỗi khi máy bay bị bắn rơi. Ngày 02 tháng 5 năm1995 Đại Úy Không Quân Hoa Kỳ Scott O’Grady điều khiển một oanh tạc cơ siêu thanh F-16 bị hỏa tiển SA-6 Địa-Không của địch quân bắn rơi trên bầu trời Bosnia. Đại Úy O’Grady bung dù thoát ra khỏi máy bay và rơi xuống trong một khu rừng rậm dày đặc địch quân đang săn lùng lục soát khu vực để tìm bắt. O’Grady phải lẫn trốn đến 6 ngày dài trong các bụi rậm và sống trong lo âu đói khát. Đại Tá TQLC Hoa Kỳ Martin Berndt mang sứ mang đi tìm và giải cứu cho O’Grady đã dẫn 40 binh sĩ, không ngại nan nguy với hai chiếc trực thăng H-53 cất cánh từ một căn cứ ở Ý bay đến Bosnia hạ cánh ngay trên đầu địch quân, đúng vào lúc mà O’Grady đang lẫn trốn và bốc ngay O’Grady trong vòng 4 phút và bình yên bay trở về Ý. Sự nguy hiểm như vậy nếu là phụ nữ thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn.

Trong sự gian nguy của mỗi công tác bay chiến đấu, người phi công như Elizabeth Phạm hay các bạn sẽ phải thử thách với không gian, với những nguy hiểm của phi vụ. F-18 bay với vận tốc 2,380 cây số giờ để lao mình xuống ném bom ở Iraq, rồi trở về với hàng chục lỗ đạn xuyên thủng thân máy bay, còn 2 cánh thì nứt ra từng mãnh gần như sắp gãy lìa. Do đó bạn bè tặng cho cô biệt danh là "The Miracle Woman" khi bay trở về căn cứ an toàn từ cõi chết.



Asia-58 mang tựa đề "Lá Thư Từ Chiến Trường" chứa đựng một nội dung tình cảm của người chiến sĩ qua nhiều bức thư cũ tiêu biểu cho cả một quá khứ đầy hào hùng, cũng như đầy tình cảm nhân bản của những chinh nhân nơi xa trường. Tôi nghe những lá thư nồng nàn của chiến sĩ như Hải Quân Hoàng Đình Báu, của chiến sĩ Nhảy Dù Nguyễn Văn Ngôn, của chiến sĩ BĐQ Phan Huy Mộng, của chiến sĩ Trần Quang Thâu, của cô Diệu tại Phước Tuy, của các em gái hậu phương như Minh Hiếu, Thanh Tuyền, Phương Dung, hoặc Phương Hồng Quế, của Bà Mẹ Kim Nguyễn, của Thomas Thọ Nguyễn, của một khóa sinh tên Thạch gửi từ quân trường,...

DVD Asia-58 ra đời vào dịp 30 tháng Tư, 33 năm sau kể từ 1975, nhằm mục đích vinh danh người chiến sĩ oai hùng của QLVNCH, chúng ta không quên ơn của những chiến sĩ Dù Hoàng Văn Thái và các dồng đội của anh, như Ngụy Văn Thà và các chiến hữu của anh đến những hình ảnh của các vị tướng lãnh anh dũng Đỗ Cao Trí, Nguyễn Viết Thanh, Lê văn Hưng và Ngô Quang Trưởng. Những hình ảnh này tiêu biểu cho hàng triệu chiến sĩ của chúng ta ngày xưa.

Nhà văn nghiên cứu về quân sử VNCH Phạm Phong Dinh cho là Asia-58 ra đời rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại khi lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam tiếp tục mất dần vào tay ngoại bang, vì chính những người CSVN đã tạo ra những sự kiện như vậy. Người dân VNCH lưu luyến với ngày vùng dậy từ Huế, Sài Gòn, Quảng Trị,... hâm nóng những ước mơ một ngày quật khởi đạp đổ những áp bức, những độc tài đang đè nén nhân dân.

Nhà văn Dương Viết Điền, một sĩ quan HO thuộc ngành Chiến tranh Chính trị thì cho là Trung tâm Asia đang đảm nhận công việc cần thiết của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị VNCH ngày xưa.

Xét cho cùng thì tuổi trẻ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 hiến thân cho Tổ Quốc thật hào hùng, và rồi ngày hôm nay các hậu duệ tiếp tục xả thân chiến đấu cho ý nghĩa tự do và dân chủ. Hàng triệu thanh niên của QLVNCH và các thế hệ trẻ tiếp nối đứng lên đáp lời sông núi, và ước mong là quê hương Việt Nam sớm thật sự có tự do dân chủ và thái hòa.

ĐÁP LỜI SÔNG NÚI

Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
Đây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc,
Cùng giòng máu Việt Nam.
Đây Hưng Đạo Vương, đây Lý Lê Trần,
Bốn ngàn năm, chưa một lần khuất phục ngoại xâm.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
Quyết bảo vệ giang san, từng tấc đất, từng cây cỏ,
Từng phố phường, từng con đường, từng bờ biển quê hương.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san ta thà chết cho quê hương.
Đây muôn triệu con tim, đây muôn triệu khối óc,
Cùng giòng máu Việt Nam.
Đây Hai Bà Trưng, đây Lý Lê Trần,
Bốn ngàn năm chưa một lần khuất phục ngoại xâm.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi,
Quyết bảo vệ giang san, ta thà chết cho quê hương.
VIỆT NAM, VIỆT NAM, VIỆT NAM ... (tác giả Trúc Hồ ©2008)







Xin cám ơn ký giả Nguyễn Tấn Lai về tài liệu phi công Elizabeth Phạm
và nhà văn Phạm Phong Dinh cung cấp nhiều sử liệu trong bài.



Việt Hải / Dương Hà





Ý Kiến Đóng Góp



Thực hiện và kỹ thuật Website:

Lê Duy & Đan Thi



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com